chú bò may mắn - xổ số miền nam hôm nay - xổ số miền nam thứ từ | Trường THPT Chuyên Sư Phạm
Thứ Năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024

Cha đẻ của khối chuyên Toán


 Về “Chân dung nhà giáo”, tôi đã viết có dễ hơn một chục bài về Nhà giáo nhân dân, giáo sư Ngô Thúc Lanh. Bài lâu nhất đã 30 năm, bài gần nhất đã 4 năm nhân anh Ngô Thúc Lanh lên lão 80 với tiêu đề: "Người thầy của ngành Toán sư phạm".
Có những bài viết về riêng anh Lanh. Lại có những bài viết về gia đình hiếu học ham khoa học của anh. Nhưng về chân dung của giáo sư Ngô Thúc Lanh, tôi cứ nghĩ một vài bài là chưa đủ. Cuộc đời có những con người như vậy. Ta dựng được nét vẽ này lại thiếu đi một khía cạnh khác. Và tôi thấy cần phải làm thêm các nét phác thảo khác về chân dung giáo sư Ngô Thúc Lanh ...
Quả là trái khoáy: tôi dạy Văn, không thuộc dân làng Toán ! Tôi có bệnh “cực đoan”. Cứ nghĩ: làm Toán, nghiên cứu Toán, dạy Toán phải là có bộ óc hơn người? Nhưng lại nghĩ: Toán khô như ngói!?! Giáo sư Ngô Thúc Lanh đã “chỉnh lại ” “sự ngộ nhận”của tôi...
Khi còn dạy học ở Tuyên Quang, tôi đã nghe loáng thoáng những “giai thoại” về giáo sư Ngô Thúc Lanh qua những học trò của anh, nay đã là những cô giáo, thầy giáo phổ thông. Nào là bậc thầy mẫu bục khi đứng trên mục giảng với cách diễn giải khúc triết; nào là được điểm 8 điểm 9 môn Đại số của thầy Lanh đã khó, huống hồ đạt điểm 10?
Cứ tưởng chỉ là “kính nhi viễn chi” thôi! Ai ngờ năm 1968, tôi được điều động từ “miền núi” về dạy Văn cho khối chuyên Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội, làm “quân” của giáo sư Ngô Thúc Lanh - lúc đó đang là chủ nhiệm khoa Toán, tại nơi sơ tán: thôn Viên Nội, ứng Hòa, Hà Tây.
Tôi lọt thỏm giữa một làng Toán: các cán bộ giảng dạy ở các bộ môn toán khác nhau, ngay các lớp học sinh cũng lại là chuyên Toán!
     Nhưng gặp anh Ngô Thúc Lanh, tôi yên tâm ngay. Một con người bình dị hơn tôi tưởng. Một chủ nhiệm khoa, lại vào lúc bom đạn, sinh viên ở rải ra mấy xã, mấy thôn ven sông Đáy, phải lo từ kế hoạch giảng dạy đến khâu nghiên cứu khoa học, chưa đủ lại còn lo chuyện đời sống cho cán bộ, sinh viên trong thời kỳ còn bao cấp. Vất vả lắm ! mà tôi thấy anh Lanh vẫn điềm tĩnh ung dung. Anh có cốt cách của một "nhà nho mới": "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Tôi thầm phục anh Lanh ở điểm đó. Có thể giữa chúng tôi còn thân tình riêng: Lúc đó, hai con lớn của anh đang học cuối cấp ở khối chuyên Toán - cháu Ngô Trung Việt bé nhỏ và cháu Ngô Lan Anh thùy mị. Mà anh Lanh vừa là người cha đẻ của hai con, lại còn là người Cha đẻ của khối chuyên Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội !
Tôi được biết: quê gốc anh Lanh ở Vân Đình huyện ứng Hòa, Hà Tây, gần nơi khoa Toán đang sơ tán thời chống Mỹ. Đất quê anh lắm nhân tài: xưa có Dương Lâm, Dương Khuê là các nhà nho khí tiết, nổỉ tiếng thơ phú; hậu sinh lại có Dương Thiệu Tước - một trong những nhạc sĩ tân nhạc tài danh, là bác ruột của nhạc sĩ Dương Thụ bây giờ và anh Ngô Thúc Lanh đi con đường khác: con đường Toán học mà tuổi hoa niên đã vào học tại trường Bưởi ở Hà Nội ...
Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, anh Lanh dạy trường trung học kháng chiến đầu tiên, có học trò nghèo được anh cưu mang rèn tập là giáo sư  Nguyễn Đình Trí hiện nay.
Năm 1951 khu Học xá được nước bạn Trung Quốc giúp đỡ mở tại Tâm Thu (Nam Ninh), anh Lanh là một trong những thầy dạy Toán cho Ban khoa học Tự Nhiên ở bên đó. Để rồi sau này lại là người giúp phần gây dựng trường Đại học Sư Phạm Hà Nội như ngày nay...
Một nhà giáo hơi cao to, có giọng nói hồn hậu, giữ “cái nghiêm” trong "cái hiền", độ lượng...
     Còn nhớ, tôi về khoa Toán một năm thì hè năm sau 1969, sinh viên và các cán bộ giảng dạy cả khoa đi đào mương làm thuỷ lợi giúp dân bên Quế Võ (Hà Bắc). Không kể lớp sinh viên đang tuổi ăn tuổi học, sức vóc trai tráng, các cán bộ giảng dạy nam và nữ quen giáo trình tay phấn nay quần xắn cao, chân lội bùn xắn từng miếng đất, dây chuyền bằng tay để vật đất lên thành mương cao, sao mà ái ngại !
Chiều xong việc, dây người mệt rũ phải đi qua chiếc cầu bằng những tấm ván gỗ rung rinh qua mặt mương cao, mưa ướt và vết bùn nhão nhoét làm ván cầu trơn như bôi mỡ, dò từng bước đi chỉ sợ ngã. Có lần qua cầu rồi, tôi phải quay lại dắt tay giúp chị Hoàng Xuân Sính kẻo “qua cầu gió bay”
Là chủ nhiệm khoa nhưng anh Lanh cũng tham gia một tháng trời đào mương ấy.
Lúc đó, tôi còn trẻ đang sinh hoạt Đoàn thanh niên, lại còn là chân cầu thủ có tiếng mà còn mệt bở hơi tai ... huống hồ ...?!?
Có một bữa, nghỉ giải lao giữa buổi ăn sắn luộc và uống nước chè bát. Anh Lanh kéo tôi ra một góc xa để dễ nói chuyện cho riêng hai người.
Hình như biết tôi hay viết báo làm thơ, anh Lanh thủ thỉ toàn chuyện “văn nghệ”. Anh đố tôi một câu đố, nghe như toàn là chữ Hán. Thí dụ một đoạn: "Quẫn ra bình, thôi sắc tệ!" nghe êm tai quá! Nhưng đọc lại, ngẫm nghĩ lại thì ra là câu đối “chữ nho giả cầy”, kêu câu đối “lưỡm” - nó là tiếng Việt nói lái, nói ngược mà tôi không tiện dịch xuôi ra đây, e bạn đọc bảo tôi “Tiếu lâm”... cả hai chúng tôi cười nghiêng ngả.
Rồi anh Lanh lại kể tôi nghe giai thoại về ba Khang. Một thầy giáo dạy Sử có tài khi còn ở khu Học xá bên Trung Quốc.
Thuở ấy, mình còn trẻ như Cao Sơn bây giờ vì yêu mến nên gọi ông ta là “ba Khang”.
Ba Khang dí dỏm đã cho anh Lanh xem những bức tranh lạ thời kỳ Phục Hưng ở Châu Âu. Những tấm tranh ấy mà lọt ra ngoài cứ gọi là tội... tày đình!
Chúng tôi lại cười ! và tôi vừa thú vị vừa trách mình lâu nay “ếch ngồi đáy giếng”! Dân toán khô đâu nào? cũng tâm hồn đa dạng như ông Ngô Thúc Lanh đang sờ sờ ngồi trước mặt! Người làm Toán giỏi cũng phải rành tiếng Việt chả kém gì người làm Văn. Anh kể tôi mới hay lúc đó anh Lanh đang tham gia công trình Từ điển Toán học. Tỉ mỉ lắm lại phải am tường ngôn ngữ và hiểu biết rộng.
ít lâu sau, tôi biết thêm ở đây cũng còn nhiều người sành ngôn ngữ, ham đọc văn học như anh Lanh. Đó là các anh Đoàn Quỳnh, Lê Khắc Bảo, chị Hoàng Xuân Sính, anh Vũ Tuấn... tôi không còn cô độc, thỉnh thoảng phải đàm luận với các anh chị về ngôn ngữ, về văn học Pháp, văn học Việt Nam.
Lại nói về khối “Toán con” - người ta gọi yêu các lớp học sinh chuyên toán như thế. Sơ tán thiếu thốn trăm bề, ở nhà dân, đêm học đèn dầu, vặn nhỏ, có chụp che để phòng máy bay địch vào ban đêm. Các lớp tranh tre, lá mía đặt ở bìa làng, có luỹ đất đắp bao quanh lớp, giao thông hào xẻ sâu vào giữa lớp. Giờ học đôi khi bị cắt ngang khi có kẻng báo động, thầy trò trú tạm dưới hầm kèo nhưng vẫn háo hức và vui lắm! Học say mê. Lại còn văn nghệ diễn kịch, hát hò như ai. Đá bóng cũng nổi tiếng trong khoa, trong trường.
Từ một lớp với hơn 40 em ban đầu, dần dần có đủ 3 lớp toàn cấp, trở thành khối chuyên Toán. Anh Lanh tận tình chăm sóc những mầm non tương lai. Vừa chỉ đạo hướng phát triển cho khối, anh vừa lên lớp dạy chuyên đề cho các cháu.
Khó khăn nhất là năm 1972, giặc Mỹ lăm le đánh bom vào Thủ đô Hà Nội, có lệnh cấp tán: Cả khoa di chuyển qua sông Hồng sang tận Vĩnh Tường-Vĩnh Phú. Khối chuyên Toán được bốc đi theo. Lớp chưa có thì học tại thềm chùa, trong nhà kho của Hợp tác xã. ở tản mát khắp vùng mà khóa học của sinh viên vẫn hoàn thành, các giờ học chuyên Toán không đứt đoạn.
Có nhớ lại giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" này mới thấy hết ý nghĩa của sự thành công của đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi Toán quốc tế vào hai năm sau: Tháng 7 năm 1974 tại Ecphuốc (CHDC Đức) mà trong đó có anh Vũ Đình Hòa đoạt huy chương bạc, anh Tạ Hồng Quảng huy chương đồng đều là học sinh chuyên Toán Đại học Sư Phạm Hà Nội- những học sinh xuất sắc mở đầu cho truyền thống của khối ta. 
Có phải chăng? Những đêm cấp tán ấy, đứng ở Vĩnh Tường hướng về phương trời Hà Nội rực sáng, rung tiếng bom rền, lóe tia lửa phòng không đã thôi thúc thầy trò khối chuyên Toán càng quyết tâm thắng giặc bằng những giờ giảng sâu, những tiết học miệt mài?
Vẫn đi thi Toán toàn quốc, vẫn đi thi quốc tế, vẫn chiếm số đông đạt điểm đi du học nước bạn.
Công sức là của chung, tôi nghĩ trong đó có phần không nhỏ của giáo sư Ngô Thúc Lanh !
Thế mà một chiều hè ở nơi sơ tán ấy, tôi bắt gặp anh Lanh đạp xe bên bờ mương. Anh vừa đi họp ở Hiệu bộ nhà trường về.
Anh dừng xe bên tôi:
-     Mình vừa nhận quyết định thôi giữ chủ nhiệm khoa!
Tôi không tin vào tai mình. Hỏi lại thì đúng là như vậy...
-     Tối nay, Cao Sơn đến nói chuyện với mình nhé!
Anh dặn tôi như vậy và lên xe đạp đi...
ăn cơm tối xong, tôi đi bộ đến nơi anh Lanh sơ tán. Có chủ trương chung! Lãnh đạo khoa phải là đảng viên. Anh Lanh không phải là đảng viên. Nghĩ chức chủ nhiệm khoa là như vậy!?!
- Mình chấp hành thôi! Anh cười, nói với tôi như vậy.
Tối đó, chúng tôi nói chuyện rất lâu.
Chỉ tiếc rằng: Sau đó ít lâu, trên mặt báo, có tới 5 hoặc 6 bài gì đó, tôi viết về giáo sư Ngô Thúc Lanh, về chị Sa- vợ anh và những đứa con hiếu học và học giỏi của anh …
í í
í
Thầy Ngô Thúc Lanh, từ buổi đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946 đã tận tụy đi theo cách mạng, góp sức xây nền giáo dục mới, giúp phần tạo nên một ngành Toán sư phạm: Có biết bao thế hệ sinh viên trưởng thành được học thầy Lanh. Không ít giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú khởi nghiệp từ những buổi học được thầy Lanh  khai tâm khai trí. Trong đó có khối phổ thông chuyên Toán không bao giờ quên ơn: “Người Cha đỡ đầu” từ những buổi còn trứng nước.
     Đó là nhân cách lớn của một trí thức yêu nước, thuỷ chung với nghề cao quý- nghề dạy học, trồng người.
Trước và sau, giáo sư Ngô Thúc Lanh luôn trọng Tín- Nghĩa, trong công việc và cách sống đời thường.
Về nghỉ hưu, anh vẫn nặng lòng với ngành giáo dục, vẫn viết sách Toán cho các lớp phổ thông, vẫn góp tiếng nói cho ngành nói chung, cho ngành Toán nói riêng.
Không nệ dài dòng, tôi cần kể thêm chuyện nhỏ này, ngõ hầu thêm một nét chấm phá vào chân dung Nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh.
Cách đây mấy năm, gia đình anh Lanh còn ở phố Đội Cấn.  Chiều chiều anh đi bộ ở đường Liễu Giai để luyện thân thể. Không may bị xe máy gây tai nạn. Cũng may được cứu chữa kịp thời.
Sau khi dự 20/11 ở Đại học Sư Phạm, tôi ôm bó hoa đạp xe đến thăm anh. Loay hoay thế nào quên mất địa chỉ, dù đã đến phố Đội Cấn.
Đã trưa, trời nắng gắt. Tôi đành vào cửa hàng tư nhân gọi điện thoại cho anh Lanh.
Đầu dây bên kia là tiếng nói thân quen của anh. Anh Lanh hỏi tôi đang ở đâu, rồi anh hướng dẫn tôi đi ngược lại phía nhà thờ Liễu Giai, sẽ đến cái ngõ dẫn vào nhà anh.
Tôi lộn xe lại và đi theo lời anh chỉ dẫn. Đến nơi, trời đất, tôi thấy anh Lanh còn yếu, mà đi bộ ra đầu ngõ đón tôi. Cái ngõ dẫn vào nhà anh dài hơn 200m!
Tôi vừa mừng vừa thương, ứa nước mắt. Tôi tặng anh bó hoa và dồn dập hỏi, đầy lo lắng về sức khỏe của anh, vì anh mới ra viện có một tuần. Anh vẫn vui vẻ khoe: “Khá hơn nhiều”, nào là anh luyện và xem lại trí nhớ bằng cách đọc cửu chương; đọc thơ La Fontaine theo trí nhớ, “Vẫn chạy tốt Cao Sơn ạ!”.
Nghe anh nói, tôi không còn cười được nữa. Lại vừa mừng vừa thương, vừa trách mình làm cho anh vất vả!
Về sau tôi còn được nghe một số người kể lại: Anh Lanh còn đi bộ ở bể bơi Ba Đình để thắng bệnh tật! Tôi hỏi anh có đúng như thế không? Anh cười, xác nhận...
Nhân cách lớn biểu hiện từ những chuyện nhỏ hàng ngày.
Năm nay (2006) giáo sư Ngô Thúc Lanh đã vào tuổi 85. Anh vẫn không ngừng làm việc, dù mắt có kém đi, tai có nặng hơn.
Có một lần anh đi dự họp mặt cựu cán bộ ở Đại học Sư Phạm, không thấy tôi có mặt. Tối về nhà, anh Lanh gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Thấy tôi khỏe, anh bảo mừng.
Tôi ân hận quá! Tôi coi anh Lanh là người Anh lớn. Có thể còn là người thầy, dù tôi không học Toán.
 
Hà Nội
18/11/2006
Nguyễn cao sơn
GV. Khối PTTH Chuyên 


Các bài viết khác:
Ban giám hiệu
Chi bộ Đảng
Đoàn thanh niên
Mô hình giáo dục
Danh hiệu thi đua
Chất lượng đào tạo
Lịch sử phát triển
Các kì thi Quốc Gia, Khu vực & Quốc tế
Bảng vàng thành tích
Cơ sở vật chất
Học sinh Vũ Thị Ngọc Oanh đạt huy chương Đồng Olympic Sinh học Quốc tế
Khóa 4, ký ức 50 năm
Nhớ về khối chuyên Toán ngày ấy
Nói với nhau mùa hạ
50 năm – Phấn khởi, tự hào và tin tưởng
GS Hồ Tú Bảo - Cựu học sinh Chuyên Sư phạm, một cầu nối khoa học Việt Nam - Nhật Bản
Chuyện chưa kể về cựu học sinh Chuyên SP Đoàn Xuân Hưng với cuộc giải cứu người Việt Nam tại Libya
Cậu học trò có biệt danh “Thành Đạt”
Cựu học sinh Phạm Quang Vũ được Microsoft mời sang Mỹ làm việc